Bát Tràng - Tinh hoa văn hóa dân tộc

 Gốm sứ Bát Tràng là một di sản văn hóa vật chất và phi vật chất mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Gốm Bát Tràng được duy trì và truyền thừa từ đời này sang đời khác góp phần gìn giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc ta. Làng gốm Bát Tràng đã trở thành một làng nghề truyền thống, và nghệ thuật làm gốm này cần được bảo tồn và phát huy. 
Nghệ thuật làm gốm của Bát Tràng đã được hình thành từ thời Lý, khi Lý Công Uẩn quyết định dời đô về Thăng Long. Trên cơ sở của 2 địa danh Bồ Bát và Minh Tràng. Người dân truyền tai nhau rằng, các dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh bao gồm họ Trần, Vương, Lê, Phạm và họ Nguyễn ở đất Minh Tràng đã quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia  đình con cháu dời làng di cư về phía thành Thăng Long để lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng. Có thể nói nghệ thuật làm gốm của Bát Tràng đã có từ rất lâu đời. Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm chỉ có những gia đình bá hộ, thương gia hay vua chúa mới có đủ khả năng sở hữu gốm Bát Tràng, nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi lịch sử gốm Bát Tràng vẫn duy trì và phát triển trở nên mới mẻ, tinh xảo hơn nhưng vẫn giữ được những vẻ đẹp vốn có, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử phát triển của dân tộc. Ngày nay do thị hiếu phát triển cùng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã trở nên gần gũi, đi vào nếp sinh hoạt thường nhật của người dân từ cái bát, cái đĩa, bình, lọ,…
Không chỉ có giá trị tinh thần dân tộc, gốm Bát Tràng thực sự là những sản phẩm gốm đẹp, tinh tế, và vô cùng có giá trị nghệ thuật. Mỗi một tác phẩm, qua bàn tay của những nghệ nhân đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Những tác phẩm này được làm ra đều mang một nét đẹp mà không đâu có thể so sánh được. Nhà nước cũng đã có rất nhiều những chính sách giúp đỡ duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Bát Tràng. Hơn thế, bạn bè Quốc tế mỗi khi đến viếng thăm Việt Nam đều đặc biệt yêu thích những sản phẩm của gốm Bát Tràng, họ thường ghé về làng Bát Tràng để xem người nghệ nhân làm gốm và họ cũng rất thích được những nghệ nhân dạy làm gốm vuốt tay, sau khi kết thúc chuyến tham quan họ đều sẽ mua những sản phẩm từ gốm Bát Tràng để làm quà cho bạn bè, người thân. Nhưng tại Việt Nam, không phải nơi nào bán hàng gốm sứ thì đều là 100% gốm Bát Tràng, không phải sản phẩm cứ được in ấn Bát Tràng thì đều là sản phẩm chính hãng, đừng quên rằng in ấn hay logo đều có thể làm giả. Có những nơi vì lợi nhuận mà bất chấp sự lừa gạt, bán hàng pha trộn giữa Bát Tràng thật và gốm Trung Quốc hay những loại gốm không rõ nguồn gốc khác. Nếu bạn không hiểu rõ về Bát Tràng chắc chắn sẽ mua nhầm những sản phẩm kém chất lượng. Những người buôn gian sản phẩm Bát Tràng đã làm mất đi giá trị Bát Tràng thật sự, mất đi phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế.
 

Chúng tôi đã có dịp "tận mục sở thị" một số xưởng sản xuất đồ gốm nổi tiếng tại Bát Tràng - nơi hằng ngày họ đã và đang tạo ra những sản phẩm vừa hiện đại nhưng vẫn chứa đựng những nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Ông Hợp (chủ một xưởng gốm tại Bát Tràng) đã chia sẻ về những công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm Bát Tràng và nhấn mạnh rằng để có được một sản phẩm gốm chất lượng tốt cần hết sức chú ý tới nguyên liệu đất sét. Nguyên liệu đất phải được chế biến tại các mỏ đất thiên nhiên, được chế biến và pha trộn theo công thức riêng của từng làng nghề và phù hợp với từng loại sản phẩm.

"Tuỳ từng sản phẩm mà mỗi làng nghề người ta pha trộn đất khác nhau, hay còn gọi là hồ. Hồ lại tiếp tục được đổ vào những chiếc khuôn khác nhau để tạo dáng sản phẩm. Sau khi hồ khô, bỏ khuôn ra và có được thành phẩm thô và hình dáng ban đầu của sản phẩm. Nhưng để sản phẩm đạt được độ tinh tế thì không thể không kể đến sự tỉ mỉ, chỉn chu của những nghệ nhân làm gốm", ông Hợp cho biết thêm.

Qua nhừng bàn tay tài hoa khéo léo của những người thợ, những chiếc lọ chỉ có một màu trắng đơn sơ của hồ sau khi khô dường như đã biến thành một “nàng công chúa” xinh đẹp hơn với sự kết hợp của những màu sắc khác nhau.

Sau khi được tô vẽ, những sản phẩm gốm sẽ được tráng một lớp men đã được “chế biến” và đưa vào lò nung với nhiệt độ cao. Được biết, trước đây người dân Bát Tràng dùng lò than để nung sản phẩm, nhưng với sự thay đổi của đất nước qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cũng nhằm mục tiêu giảm tải ô nhiễm môi trường, các hộ sản xuất tại Bát Tràng đều sử dụng lò ga thay thế cho lò than. 

Người thợ gốm đang tỉ mỉ chỉnh sửa để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Internet

“Đó là tất cả những công đoạn chung mà một sản phẩm gốm sứ hoàn chỉnh đều phải trải qua. Còn tùy vào từng loại sản phẩm mà người ta lại pha trộn những nguyên liệu khác nhau để hoàn thiện nó. Ví dụ như có nhiều loại men người ta dùng để tạo độ bóng và giữ màu vẽ sau khi nung. Còn có những sản phẩm người ta dùng men là nguyên liệu chính để tô điểm cho sản phẩm mà không cần phải vẽ. Tùy từng nhu cầu của khách hàng mà người ta sử dụng các loại men khác nhau", chị Hoa, thợ gốm Bát Tràng cho biết.

Để làm được một sản phẩm gốm sứ không phải điều dễ dàng gì, nó đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mẩn và khéo léo của mỗi người thợ. Và hơn hết, nó chứa đựng trong đó là tất cả những tâm huyết, những tình cảm mà người thợ gửi gắm. 

Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm gốm sứ đậm nét truyền thống, tại Bát Tràng đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Một người bán hàng tại Bát Tràng cho hay: "Bây giờ gốm Trung Quốc rẻ mà đẹp lắm. Đơn giản vì Trung Quốc nó đánh được vào tâm lý người dùng như đẹp rẻ mà cũng khá bền đó em. Chưa kể khi nhập hàng đầu vào cũng rẻ hơn hẳn so với gốm truyền thống nên họ bày bán nhiều hơn". 

Dù đan xen và trộn lẫn hàng hoá của Trung Quốc, song gốm sứ Bát Tràng vẫn thực sự thu hút và là sự lựa chọn của bất kỳ người sành gốm. Đến bây giờ chưa ai có thể biết trước được liệu sự góp mặt "trong cuộc chơi chung" của gốm Trung Quốc này có phải là mối lo của làng gốm Bát Tràng nói riêng và những làng nghề gốm truyền thống của Việt Nam nói chung? 

Sản phẩm gốm của làng nghề Bát Tràng truyền thống không chỉ góp phần dựng lại diện mạo kinh tế Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử mà còn giúp người dân Thủ đô và cả nước thấy được sự phát triển tiếp nối của nó theo tiến trình thời gian. Mỗi sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.

Trong quá trình mở rộng nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm như đồ gốm Trung Quốc, hàng ngoại nhập và cả những sản phẩm từ địa phương khác là điều không thể tránh khỏi. Bài toán giữ gìn và phát triển thương hiệu quốc gia không còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp hay địa phương nào, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hoá, toàn cầu hoá như hiện nay. Mỗi doanh nhân gốm Bát Tràng cần hiểu rõ luật chơi chung và nắm thế chủ động, tránh tình trạng thất thế ngay trên sân nhà./.

Dựa trên: nguoilambao.vn

CÁC BÀI VIẾT NỔI BẬT

Các sản phẩm đặc biệt